blPhoto

Lựa chọn những đặc sản Nghệ An thích hợp mua về làm qua

Lựa chọn những đặc sản Nghệ An thích hợp mua về làm qua

Lựa chọn những đặc sản Nghệ An thích hợp mua về làm qua

    Xứ Nghệ quê Bác luôn nức tiếng với những danh lam thắng cảnh làm say lòng du khách thập phương, thế nhưng những món ăn đặc sản Nghệ An được chế biến từ những nguyên liệu dân dã quen thuộc lại càng khiến người khác ăn một lần là nhớ một đời. Nào cùng điểm qua xem bao nhiêu món ăn đã trở thành quen thuộc với đời sống hằng ngày của bạn nhé!

    Về xứ Nghệ khám phá nét ẩm thực

    Cháo lươn Vinh

    Cháo Lươn Vinh - đặc sản hấp dẫn cho du khách

    Cháo lươn Vinh sẽ là món ăn mà bạn nên thử đầu tiên khi đặt chân đến Nghệ An, bởi còn gì tuyệt hơn sau khi trải qua hành trình dài di chuyển mệt mỏi, chiếc bụng rỗng tuếch lại được lấp đầy một tô cháo đậm đà, béo ngọt từ vị của Lươn?

    Điều khó nhất để tạo ra một tô cháo lươn chuẩn chất đặc sản Nghệ An chính là người thợ phải biết cách chọn lựa và chế biến lươn. Sau khi được mua về, lươn phải được được mang đi ngâm muối và nước cốt chanh để loại bỏ hết nhớt, dùng thanh tre cắt lươn thành miếng nhỏ rồi mang đi xào chung với hành phi và tỏi băm, sau đó nêm nếm gia vị vừa ăn, đợi lươn chín là đã có thể vớt ra chờ nấu cháo. Lý do vì sao phải sử dụng thanh tre để xử lý lươn là vì theo những người thợ lành nghề, dùng tre lọc thịt lươn sẽ giúp lươn tươi hơn và loại bỏ được mùi tanh của động vật sống. Ngoài ra cháo lươn Vinh sử dụng nước hầm xương heo để nấu cháo, thế nên hương vị của món ăn này lúc nào cũng béo, ngọt, đậm đà, sóng sánh rất tự nhiên.

    Cháo lươn Vinh là món ăn mà mùa nào bạn cũng có thể ăn được vì lươn là loài động vật khá dễ đánh bắt. Tuy nhiên, nếu tiết trời mùa đông se lạnh được ăn một bát cháo nóng hổi thì sẽ tuyệt vời hơn rất nhiều. Mặc dù là đặc sản Vinh - Nghệ An nổi tiếng, thế nhưng dưới đây là danh sách một vài địa điểm bán cháo lươn nổi tiếng và không chặt chém du khách:

    - Quán lươn Niêu (35.000đ/bát): Số 51, đường Trần Quang Diệu, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

    - Quán cháo lươn Bà Lan (30.000đ/bát): Số 2, đường trần Hưng Đạo, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

    - Quán cháo lươn đồng Hưng Chính (25.000đ/bát): Xóm 8, xã Hưng Chính, huyện Hưng Nguyên, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

    - Quán lươn Hồng Sơn (30.000đ/bát): Số 164, đường Mai Hắc Đế, phường Quán Bàu, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.


    Tương Nam Đàn

    Tương Nam Đàn Nghệ An

    Nếu bạn vẫn đang tự hỏi Nghệ An có đặc sản gì làm quà mang về? Thì Tương Nam Đàn là một gợi ý cho bạn. Làm Tương Nam Đàn là một ngành nghề truyền thống đã được công nhân là một làng nghề của thị trấn Phan Bội Châu, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Có cơ hội đặt chân đến Nam Đàn, bạn sẽ được tận mắt nhìn thấy những chum tương lớn đặt ở khắp vườn của từng nhà. Mùi hương từ tương tỏa ra bát ngát khiến bụng du khách sẽ không tránh khỏi cồn cào, và điều đó cũng sẽ làm cho việc thưởng thức món ăn này trở nên thơm ngon hơn bởi cao lương mỹ vị lúc no làm sau bằng rau luộc chấm tương lúc đói? Chế biến tương phải trải qua những giai đoạn như: Làm mốc, chế biến đậu nành, ngạ tương rồi đến việc phải khuấy tương thật đều vào mỗi buổi sáng. Thế mới thấy để có thể chế biến ra một loại tương Nam Đàn đặc sản Nghệ An cần phải kỳ công như thế nào.

    Đầu tiên là bước làm mốc, tương Nam Đàn có vị ngon hay không, mẻ tương làm ra có thành công hay không đều phụ thuộc rất nhiều ở bước này. Mốc sẽ được làm từ nếp (trước đây là ngô) chín mùa, hạt thơm và chắc. Nếp sẽ được chà sạch và mang đi hông rồi rải đều ra cho nguội hẳn. Tiếp đến người ta sẽ dùng nước chè (trà) đặc rưới lên rồi phủ kín lại ủ bằng lá nhãn. Nếu sao 10 ngày, mốc chuyển sang màu đen hoặc màu hoa cải là đã đủ tiêu chuẩn để làm tương.

    Bước thứ hai chính là chế biến đậu nành. Những hạt được chọn phải đẹp, đều và đã chín mùa. Hạt đậu nành trước khi mang đi rang thì đã phải phơi khô, sau đó rang đều với lửa nhỏ trong nồi đất để hạt được chín đều rồi đợi nguội thì mang đi xay vỡ đôi, sau đó hòa với nước lạnh tiếp tục nấu trong 12 giờ. Cuối cùng là mang đậu nành ngâm trong chum đặt dưới ánh nắng trong 7 ngày, đợi đến khi ngửi thấy hương thơm từ chum là đã có thể mang đi ngạ tương.

    Ngạ tương sẽ được thực hiện bằng cách dùng mốc đã ủ và muối trộn cùng với chum hạt đậu nành đã ngâm từ trước rồi dùng thanh tre khuấy đều hỗn hợp này lên, sau đó đậy lại tiếp tục ủ. Công đoạn này sẽ được thực hiện vào buổi đêm và muối phải là loại đã phơi qua 3 nắng, không còn tạp chất thì mới có thể dùng để làm tương. Cuối cùng thì trong 1-2 tháng tiếp theo, người thợ vào mỗi buổi sáng sẽ lại dùng tre để khuấy đều tay cho đến khi vừa mở nắp chum ra là thấy mùi thơm của tương dậy lên là đã có thể ăn.

    Khi nói đến những món đặc sản Nghệ An làm quà mang về nhiều nhất, người ta lại nghĩ ngay đến tương Nam Đàn. Tương thường được dùng để chấm với rau, thịt luộc hoặc bất cứ món gì mà họ muốn ăn cùng, bởi vị tương rất dễ ăn lại có thể làm tăng sự đậm đà của món ăn khác. Mùa mưa rất khó làm tương vì không có nắng để phơi nguyên liệu, thế nên nếu đến đây vào mùa hè, có thể bạn sẽ nhìn thấy được tận mắt cảnh người dân làm tương để có thể hiểu được phần nào quy trình chế biến ra loại đặc sản này.

    Tương Nam Đàn dĩ nhiên mua tại Nam Đàn vẫn là ngon nhất, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều cửa hàng ngoài mà bạn có thể tham khảo tại:

    Cửa hàng Đặc sản xứ Nghệ Thuý Liễu: Số 160, đường Thăng Long, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.


    Chè Dung

    Chè Dung đặc sản Nghệ An

    Chè Dung cũng là một đặc sản Quỳnh Lưu Nghệ An mà bạn có thể mua về làm quà cho ông và bố của mình. Có màu vàng óng tựa như chè xanh, thế nhưng nếu chè xanh có vị đắng, chát đặc trưng thì chè Dung lại ngọt ngào, thanh mát khiến người uống sảng khoái ngay từ ngụm đầu tiên.

    Mặc dù gọi là đặc sản Quỳnh Lưu, thế nhưng loại chè này chỉ có mặt ở những vùng sâu vùng xa của xứ Quỳnh, người ta cũng không chủ động trồng loại cây này mà chúng sẽ mọc tự nhiên trong rừng sâu và người dân phải đi vào tận trong đó để thu hoạch. Chè Dung phơi khô hay để tươi đều uống được và đặc biệt là không kén người uống. Khác với những loại chè khác, người bị bệnh về dạ dày, tá tràng hay đang đói vẫn có thể dùng chè Dung được vì vị ngọt của chè có thể làm dịu đi những cơn đau hay cơn đói rất hiệu quả.

    Chè Dung có thể dễ dàng tìm mua ở bất kỳ chợ nào của huyện Quỳnh Lưu hoặc các cửa hàng đặc sản Nghệ An với giá dao động trên dưới 100.000 VND/kg.

    Chè Dung có thể dùng làm nước mát giải nhiệt, độ tuổi nào cũng có thể dùng được vì chất nước không đắng mà lại còn rất ngọt.


    Kẹo cu đơ

    Kẹo Cu Đơ

    Loại kẹo quen thuộc từ thuở bé của chúng ta cũng góp mặt trong danh sách trả lời cho câu hỏi đặc sản Nghệ An là gì. Ở bất kỳ bến xe hoặc địa điểm bán đặc sản nào, kẹo cu đơ vẫn luôn xuất hiện. Thế nên từ lâu người ta đã xem món ăn này là đặc sản cả nước chứ không còn của riêng Nghệ An. 

    Từ sự kết hợp của những nguyên liệu thân thuộc như: Bánh đa, mật mía, mạch nha, gừng và đậu phộng đã tạo nên hương vị rất đỗi đặc biệt của Kẹo cu đơ. Giòn có, ngọt có, béo ngậy có, cay nồng cũng có, tất cả hương vị hòa quyện với nhau trên một mảnh kẹo bé nhỏ đến từ Nghệ An. Kẹo cu đơ kết hợp với chè xanh, hoặc chè Dung cũng rất hợp. Mang về làm quà cho gia đình, chiều đến, cả nhà ngồi cùng nhau vừa ăn kẹo vừa nhâm nhi trà lại vừa trò chuyện cùng nhau, cảm thấy mọi người gắn kết với nhau như cách mà các nguyên liệu của kẹo đã dính kết với nhau vậy.

    Kẹo cu đơ bán rất đại trà, có thể tìm thấy trên bất kỳ chợ nào tại Nghệ An mà bạn có dịp ghé qua hoặc đến trực tiếp những địa chỉ sau

    Lò cu đơ Vĩnh Vân, địa chỉ QL46 xã Nghi Khánh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An

    Nhà ông bà Kinh Cẩm, địa chỉ Ngõ 27, đường Trần Nhật Duật, khối Vĩnh Quang, phường Đông Vĩnh, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. 


    Bánh mướt

    Bánh mướt đặc sản Diễn Châu Nghệ An

    Bánh mướt là đặc sản Diễn Châu Nghệ An vốn được xem là nghề truyền thống tại người dân tại đây. Bánh mướt thực chất là bánh cuốn nếu gọi theo cách của người miền Bắc.

    Công đoạn làm bánh thực ra khá đơn giản, nhưng khó là làm sao chọn được loại gạo phù hợp để có thể làm ra lớp bánh vừa béo, vừa mềm. Người dân Diễn Châu thường sẽ chọn gạo Vê đến từ Quỳnh Lưu. Gạo sẽ được ngâm cho nở rồi mang đi xay thành bột nước, rồi đợi cho bột lắng xuống hết chỉ còn lại lớp nước bên trên là đã có thể mang đi tráng thành bánh. Nhân bánh bên trong của bánh mướt Diễn Châu là hành phi, bánh sau khi chín có rất nhiều cách ăn, mà tiêu biểu là:

    - Ăn chấm trực tiếp với nước mắm ớt chanh.

    - Ăn cùng với lòng lợn xào.

    - Ăn cùng với thịt kho.

    - Ăn cùng bò nhúng dấm, bò nướng lụi.

    - Ăn cùng thịt lợn nướng hoặc nem rán.

    Ngày nay ở một số tỉnh thành, người ta biến tấu bánh mướt lại thành bánh nhân thịt, tuy nhiên bánh mướt đặc sản Diễn Châu Nghệ An vẫn sẽ luôn giữ được chất riêng của mình trong lòng du khách và người dân xứ Nghệ. Ngoài ra, rất nhiều hàng quán có bán bánh mướt theo ký để người mua có thể mang về và chế biến món ăn kèm tuỳ ý. Một số địa chỉ bán bánh mướt nổi tiếng mà bạn có thể ghé đến:

    - Quán Bánh mướt & bánh cuốn nóng: Số 66, đường Hà Huy Tập, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

    - Quán Bánh mướt & bánh cuốn nóng Thanh Phong: Số 05, đường Hải Thượng Lãn Ông, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

    - Quán Bánh mướt bà Dung: Số 44, đường Bùi Huy Bích, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.


    Một đĩa bánh mướt nóng vào buổi sáng se lạnh sẽ làm cho bạn cảm thấy ấm áp và tràn đầy năng lượng.

    Đặc sản Nghệ An đa phần đều là những món ăn quen thuộc đối với mỗi người Việt Nam. Người ta dùng nó hằng ngày như một đặc sản đại trà của cả nước và chính vì điều đó mà đôi khi họ vô tình quên đi xuất xứ của nó. Hy vọng rằng nếu bạn có cơ hội đến Nghệ An, sẽ có thể thử hết tất cả các món ăn trên và nhiều món khác nữa, và giới thiệu rộng rãi hơn đến với những người xung quanh để đặc sản Nghệ An sẽ còn phát triển và lưu truyền lâu hơn nữa.


    Cần tìm khách sạn giá tốt

    0985636xxx

    Hoặc để lại thông tin
    Thái và Ngọc sẽ email lại cho bạn

    banner

    Các tour phù hợp với bạn! Đừng bỏ lỡ